MÁCH BẠN BÍ QUYẾT CẢI THIỆN SỨC KHỎE TINH THẦN
BSCK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp
Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam
Chủ tịch Liên Chi Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM
Sức khỏe tinh thần là một trong 3 trụ cột của sức khỏe toàn diện đó là sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội. Sức khỏe tinh thần ít được chú ý hơn sức khỏe thể chất vì những đau đớn thể chất như còi báo động làm chúng ta chú ý ngay; trong khí sức khỏe tinh thần nếu có vấn đề thì cơ thể không hề lên tiếng! Sức khỏe tinh thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của cá nhân. Sức khỏe tinh thần hiểu đơn giản sự hài hòa trong cảm nhận về bản thân, chất lượng các mối quan hệ, khả năng quản lý cảm xúc và giải quyết khó khăn của bạn.
Bất cứ ai cũng có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần trong suốt cuộc đời. Tỷ lệ mắc rối loạn sức khỏe tinh thần có thể lên đến 20%. Rối loạn trầm cảm gây ra 5,73% gánh nặng bệnh tật ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Dịch bệnh COVID-19 làm gia tăng số người bị rối loạn sức khỏe tinh thần trên toàn thế giới.
Các bí quyết giúp bạn cải thiện sức mạnh tinh thần, giữ tâm trạng sảng khoái để giải quyết những căng thẳng và thử thách hàng ngày một cách thành công và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp:
1. Làm việc hàng ngày
Làm việc giúp bạn luôn luôn động não và không rơi vào trạng thái trì trệ. Khi làm việc bạn sẽ có giao lưu, kết nối. Làm việc khiến bạn được rèn luyện để thích nghi với nhiều thử thách nên khi gặp khó khăn bạn không dễ nản chí và có sức mạnh tinh thần tốt.
2. Duy trì kết nối xã hội
Hãy tìm mọi cơ hội để có thể gặp gỡ trực tiếp bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Gặp mặt trực tiếp là cách giải tỏa căng thẳng hiệu quả. Gặp gỡ trao đổi trực tiếp với người khác, đặc biệt là những người bạn yêu thương, những người lạc quan sẽ tiếp nhiều thêm năng lượng cho bạn.
Trong thời gian phải giãn cách, phong tỏa xã hội trong đại dịch COVID-19 đã gia tăng đáng kể tình trạng rối loạn tâm thần và cảm xúc ở mọi lứa tuổi; đây là một ví dụ về vai trò của giao tiếp trực tiếp với sức khỏe tinh thần.
Mạng xã hội và điện thoại thông minh là những tiến bộ khoa học nổi trội nhưng chúng cũng góp phần làm gia tăng căng thẳng nếu bạn không biết cách ứng xử phù hợp, vì chúng giảm giao lưu, trao đổi trực tiếp và không thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng như gặp gỡ trực tiếp.
4. Luôn luôn năng động
Năng động trong tư duy, năng động trong hoạt động thể chất, năng động trong giao tiếp là cách giúp duy trì hoạt động tốt cho não bộ và cơ thể. Thể dục thể thao và ngay cả các hoạt động thể chất thường xuyên có tác động lớn đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc, giảm căng thẳng, cải thiện trí nhớ và giúp ngủ ngon hơn.
4. Ăn các thực phẩm hỗ trợ sức khỏe tinh thần
Chế độ ăn cân đối các chất dinh dưỡng, đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm giúp duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần lành mạnh.
Chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ năng lượng, đủ chất đạm, đủ chất bột đường, không ăn nhiều chất béo, tăng cường vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin D, vitamin E, kẽm, magiê, selen, sắt giúp cơ thể ứng phó với các sự kiện căng thẳng, hoạt động thần kinh trung ương, nội tiết, tiêu hóa và chuyển hóa được điều hòa. Nên đảm bảo các bữa ăn luôn cân bằng các nhóm thực phẩm, lành mạnh.
Các loại đậu đỗ, các loại hạt như hạt óc chó, hạnh nhân, hạt chia, hạt điều, quả bơ, rau lá xanh đậm như rau cải thìa, cải bó xôi, bông cải, ớt chuông; trái cây như dâu, bưởi; sô cô la đen có khả năng mang lại lợi ích cho sức khỏe tinh thần.
5. Hạn chế thực phẩm có thể gây kích thích thần kinh trung ương, khó ngủ
Thức ăn và đồ uống có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến cơ thể, bộ não và tâm trạng của chúng ta. Hạn chế đồ ăn vặt có nhiều đường, chất béo vì chúng có thể mang lại cho chúng ta cảm giác “phê” tạm thời nhưng chúng sẽ sớm khiến chúng ta cảm thấy uể oải, bồn chồn. Caffeine có trong cà phê, trà, nước tăng lực gây cảm giác tương tự và khiến chúng ta khó ngủ nên càng căng thẳng.
6. Nói chuyện với người bạn tin cậy
Nếu bạn có những lo lắng, căng thẳng bạn nên sớm chia sẻ với người bạn tin cậy vì đây là một trong những cách hiệu quả nhất để xoa dịu hệ thần kinh trung ương và giảm bớt căng thẳng. Hãy xây dựng mối quan hệ tin cậy từ khi còn trẻ và kể cả khi không gặp căng thẳng. Đôi khi việc lắng nghe người khác có thể giúp bạn có những quan điểm thoáng và rộng hơn.
7. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Hãy dành thời gian nghỉ ngơi. Định kỳ thoát khỏi áp lực công việc để giảm căng thẳng. Lên lịch cho các hoạt động giải trí dù ngắn ít nhất một lần một tuần. Làm vườn, đọc sách, thưởng thức âm nhạc, mát-xa, đi bộ trong công viên, đi dạo trong cánh đồng hoa, đi chụp ảnh, nấu một món ăn yêu thích là những ví dụ về cách giảm căng thẳng nên làm.
Giữ giấc ngủ tốt
Giấc ngủ giúp điều hòa chuyển hóa, thư giãn và giải tỏa căng thẳng. Nên ngủ sớm, ngủ đạt 7-9 tiếng mỗi đêm.
9. Tập thể dục thường xuyên
Hoạt động thể chất sẽ giúp điều hòa huyết áp và giảm tiết các hormone gây căng thẳng. Các môn vận động hiếu khí như đi bộ, đạp xe, chạy bộ, bơi lội, khiêu vũ… làm tăng nhịp thở và nhịp tim đưa thêm nhiều oxy đến các tế bào và làm giảm căng thẳng.
10. Nhận trợ giúp nếu cảm thấy cần
Dừng cố gắng chịu đựng những khó khăn, căng thẳng trong công việc cũng như các mối quan hệ, lo lắng về sức khỏe hoặc tiền bạc. Nếu bạn thấy cần hỗ trợ hãy tìm đến các nguồn lực chính thống, tin cậy. Thực tế có có rất nhiều chương trình, thông tin và nguồn lực dành cho bạn.
CH-20240202-08