Các Biện Pháp Giảm STress Nơi Công Sở Hữu Ích

Stress công sở là gì? Ảnh hưởng như thế nào?

Stress được định nghĩa là tình trạng lo lắng, căng thẳng, buồn bực khi ta lâm vào một hoàn cảnh khó khăn nào đó. Stress có thể đến từ học tập, lao động, mối quan hệ gia đình, tình cảm…Công sở, nơi ta gắn bó nhiều thời gian cũng là một nguyên nhân gây stress phổ biến.

Stress trong công sở có nhiều nguyên nhân từ bản chất công việc (quá tải, quá ít việc, công việc tẻ nhạt, công việc không đúng sở trường, năng lực, thu nhập thấp, khuôn mẫu thiếu sáng tạo, luôn bị hối thúc deadline), từ mối quan hệ với sếp (hay khiển trách, năng lực quản lý yếu kém), mối quan hệ với đồng nghiệp (bè phái, soi mói, nói xấu), từ môi trường làm việc (nhiều quy định, quy tắc). Stress là phản ứng tự nhiên của con người và nếu nó ở cường độ thấp thì có thể giúp giúp chúng ta phát triển tốt hơn. Tuy nhiên stress nặng và kéo dài là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.

Stress có thể làm cho chúng ta khó tập trung trong công việc, nhức đầu, đau bụng, mất ngủ, trầm cảm, giảm khẩu vị và có thể dẫn đến lạm dụng rượu bia, chất kích thích và chất ngọt. Stress nặng và kéo dài có thể dẫn đến gia tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch, béo phì và đái tháo đường. Stress đôi khi khó tránh khỏi, tuy nhiên cách mỗi người phản ứng lại với stress là khác nhau và có thể đẩy vấn đề theo hướng tiêu cực hay tích cực. Do đó việc hiểu rõ và có cách ứng phó với stress cũng là một kỹ năng quan trọng. 

Một số biện pháp phòng tránh stress ở công sở

Biện pháp đầu tiên để giảm stress là bạn nên rời bỏ công việc, phòng ban, cơ quan đó và chọn cho mình một nơi khác, một công việc khác phù hợp hơn. Tuy nhiên giải pháp này đôi khi không khả thi vì bạn không thể hoặc không muốn. Bởi vì xét cho cùng, ngoài yếu tố nào đó gây stress, thì còn lại bản chất công việc đang làm vẫn là rất tốt và phù hợp với bạn nhất trong hoàn cảnh hiện tại.

Nếu đã chọn ở lại, thì bạn sử dụng biện pháp thứ hai đó là thay đổi điều có thể thay đổi được, chấp nhận những khó khăn không thể thay đổi và sống bằng các giá trị của bản thân. Nhưng để có thể thực hiện điều này trước tiên bạn phải bình tĩnh suy xét, nhận diện và gọi tên ra cho được vấn đề gây stress của bạn là gì. Nó sẽ là một vấn đề cụ thể như nêu trên chứ không phải toàn bộ bản chất công việc hiện tại của bạn. Sau khi nhận diện và gọi tên được nguy nhân gây stress, tùy theo nguyên nhân stress là gì mà việc thay đổi điều có thể thay đổi sẽ khác nhau và không ai giống ai. Chính bạn là người sẽ biết phải làm gì. Thay đổi những việc có thể thay đổi được có thể là tiếp tục học tập nâng cao trình độ, đọc tài liệu, trau đổi học hỏi thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp, có kế hoạch cụ thể thực hiện từng việc để tránh quá tải, chia nhỏ công việc, đặt mục tiêu cho công việc theo từng thời gian, trau đổi trực tiếp với sếp, với đồng nghiệp để có thể hiểu nhau hơn, tự thay đổi thói quen của bản thân để hòa nhập hơn với tập thể…

Bước tiếp theo là chấp nhận những khó khăn không thay đổi được, không chối bỏ chúng, nhưng không dành nhiều sự quan tâm, bận tâm suy nghĩ về chúng. Thay vào đó là tập trung vào mục đích, ý nghĩa của những việc làm khác mà chúng ta đang thực hiện. Cuối cùng là sống bằng các giá trị của bản thân. Hãy để dành thời gian để suy nghĩ và thực hiện những ước mơ, những dự định, những vai trò của mình trong cuộc sống (ví dụ vai trò chăm sóc khác hàng, vai trò làm trưởng nhóm) và dành thời gian thể hiện những chuẩn mực mà mình tự tạo ra (ví dụ như nghiêm túc, cầu thị, hướng thiện, giúp đỡ người khác), từ đó trong đầu ta sẽ không còn chỗ trống và thời gian cho những suy nghĩ hay cảm giác tiêu cực nữa, rồi các cảm giác hay suy nghĩ này sẽ tự phôi phai. 

TS.BS. Trần Quốc Cường
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Nguồn: https://www.stress.org/workplace-stress#:~:text=Highlighted%20statistics%20from%20the%20report,or%20extremely%20stressed%20at%20work